-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Ngày 27-7-2022: Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ
27/07/2022
Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7 là ngày tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh xương máu để đất nước ta có nền độc lập như ngày nay.
Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 27-7-2022 được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 27-7
Sự kiện trong nước
- Ngày 27-7-1947, tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra cuộc họp để bàn về công tác thương binh, liệt sĩ và thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ tịch chọn một ngày trong năm làm ngày "Thương binh”. Sau khi xem xét, hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27-7-1947 làm Ngày Thương binh toàn quốc. Tại đây, ban tổ chức đã trịnh trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi anh em thương binh toàn quốc. Người đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch. Hằng năm vào dịp này, Người cũng đều có thư và quà để gửi đến các anh em thương binh và gia đình liệt sĩ.
Khu Di tích lịch sử Quốc gia 27-7 thuộc thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên – nơi ghi nhận sự ra đời Ngày Thương binh-Liệt sĩ. Ảnh: qdnd.vn |
Từ tháng 7-1955, Ngày Thương binh được đổi thành Ngày Thương binh-Liệt sĩ để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị số 223/CT-TW ngày 8-7-1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27-7 hằng năm chính thức trở thành Ngày Thương binh-Liệt sĩ của cả nước.
Ngày 27-7 hằng năm là dịp để thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, nhắc nhở mỗi chúng ta về truyền thống yêu nước, về lòng tự hào dân tộc, về trách nhiệm phải sống, lao động, học tập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của lớp lớp các thế hệ cha anh đi trước.
Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ và Tuyên dương đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2022. Ảnh: qdnd.vn |
- Ngày 27-7-1953, Báo Cứu Quốc, số 2378, đăng bài “Tự phê bình và phê bình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ký bút danh Đ.X). Người chỉ rõ: Để nâng cao trình độ lý luận và chính trị, mỗi đảng viên cần phải luôn luôn thực hành thật thà tự phê bình và phê bình. Đảng thì dùng cách chỉnh Đảng, chỉnh huấn để giáo dục đảng viên. Về mặt tổ chức, Đảng phải có kỷ luật rất nghiêm. Phải tiến hành xây dựng Đảng trên cả 3 mặt: Chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đó không chỉ là công việc của Đảng, của đảng viên mà là của toàn dân. Đảng viên phải dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khai sinh ra nền Báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh tư liệu |
Sự kiện quốc tế
- Ngày 27-7-1841, ngày mất của thi hào người Nga Mikhail Yuryevich Lermontov. Ông sinh ngày 15-10-1814 trong một gia đình quý tộc. Ông có tư tưởng tự do, có ý thức sâu sắc về sứ mệnh của nhà thơ trước vận mệnh của nhân dân. Ông nổi tiếng với các tác phẩm: "Cái chết của nhà thơ", "Cánh buồm", "Người tù", "Vĩnh biệt nước Nga dơ bẩn", "Người anh hùng của thời đại chúng ta".
Thi hào Nga Mikhail Yuryevich Lermontov. Ảnh: vanvn.vn |
- Ngày 27-7-1990, Xô viết Tối cao Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Belorussia tuyên bố Belarus độc lập từ Liên Xô.
- Ngày 27-7-2012, khai mạc Thế vận hội Mùa hè 2012 diễn ra vào 9 giờ tối tại thủ đô London, Vương quốc Anh.
(Theo baothainguyen.vn)
Theo dấu chân Người
- Ngày 27-7-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm anh em “lính thợ” là những người Việt Nam sang châu Âu làm trong các công binh xưởng thời Chiến tranh thế giới lần thứ II, trong ngày, còn tiếp xúc với Thủ tướng Pháp Bidault và một số kiều bào đến chào.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với anh em công binh, lính thợ Việt Nam tại Marseille ngày 17-9-1946. Ảnh tư liệu |
- Ngày 27-7-1947, Bác viết thư khen ngợi tấm gương bà Bá Huy hăng hái lập một trại an dưỡng cho thương binh. Thư có đoạn: “Như thế là bà đã giúp sức vào công việc giữ gìn Tổ quốc. Như thế là bà đã làm kiểu mẫu cho đồng bào thực hành cái khẩu hiệu:
“Có tiền giúp tiền, có sức giúp sức
Đồng tâm hiệp lực, kháng chiến thành công” .
- Ngày 27-7-1950, tại Chiến khu Việt Bắc, Bác tiếp tướng Trần Canh, Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc trước khi bước vào Chiến dịch Biên giới.
- Ngày 27-7-1952, Bác gửi điện tới Bộ trưởng Bộ Thương binh, Cựu binh nhờ chuyển một tháng lương ủng hộ, nhắc nhở việc giúp đỡ thương binh “là một nghĩa vụ của nhân dân đối với những chiến sĩ bị thương, bị bệnh; không nên coi đó là một việc “làm phúc”. Đồng thời cũng khuyên anh em thương binh “phải tránh tâm lý “công thần”, coi thường lao động, coi thường kỷ luật...”.
- Ngày 27-7-1963, dự Hội nghị phổ biến Nghị quyết của Bộ Chính trị về cuộc vận động “ba xây, ba chống”, Bác phân tích ba tệ nạn phải chống: “Tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội... Lãng phí… làm tổn hại rất nghiêm trọng cho Nhà nước, cho nhân dân... Ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó có nạn tham ô, lãng phí... Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải bồi dưỡng con người xã hội chủ nghĩa. Con người xã hội chủ nghĩa là con người có đạo đức, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hội nghị phổ biến Nghị quyết của Bộ Chính trị về cuộc vận động "ba xây, ba chống", ngày 27-7-1963. Ảnh tư liệu |
- Ngày 27-7-1965, tiếp Bộ trưởng Ngoại giao và là phái viên của Tổng thống nước Cộng hòa Gana, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra thông điệp: “Chúng tôi muốn hòa bình nhưng đồng thời phải có độc lập… Chúng tôi không muốn làm nhục Mỹ, nếu Mỹ cũng trọng danh dự chính đáng của họ, nếu Mỹ tôn trọng ý nguyện của nhân dân Việt Nam, nếu Mỹ thi hành đúng Hiệp định Geneve thì chúng ta có hòa bình...”.
(Theo Sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa” và “Hồ Chí Minh toàn tập”, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Càng tưởng nhớ đến những người con dũng cảm của Tổ quốc, thì mọi người càng phải thêm hăng hái thi đua làm trọn nhiệm vụ tổng động viên, để chuẩn bị đầy đủ, để chuyển mạnh sang tổng phản công, để tranh lại độc lập và thống nhất cho Tổ quốc”.
Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Thư gửi Ban Tổ chức Trung ương ngày thương binh liệt sĩ” viết ngày 27-7-1950. Đây là giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng và có bước phát triển mạnh. Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch trên hướng biên giới Đông Bắc thuộc hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn nhằm mục đích tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới, mở đường giao thông với các nước xã hội chủ nghĩa, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc.
Mặc dù bộn bề công việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian viết thư thăm hỏi anh em thương binh, gia đình các tử sĩ và Người gửi tặng 1 tháng lương của mình góp vào quỹ, thể hiện sự tri ân đối với các thương binh, liệt sĩ. Qua đó, Người cũng động viên, khích lệ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hăng hái thi đua, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của cách mạng để giành độc lập, thống nhất Tổ quốc và cũng để trả thù cho các thương binh, tử sĩ đã anh dũng hy sinh, hiến dâng máu đào tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang, để Tổ quốc được độc lập, tự do, thống nhất và dân tộc ta mãi mãi trường tồn.
Bác Hồ viếng nghĩa trang liệt sĩ. Ảnh tư liệu |
Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân ta đời đời ghi nhớ sự hy sinh và những cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh và luôn quan tâm làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, tổ chức toàn dân tích cực tham gia các phong trào: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, như: Xây nhà tình nghĩa, lập Quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, ổn định đời sống thương binh, bệnh binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu, cô đơn, con liệt sĩ… đã trở thành hoạt động thường xuyên trong mọi mặt đời sống xã hội.
Bộ Quốc phòng tổ chức gặp mặt đại biểu người có công và thân nhân liệt sĩ đang công tác trong quân đội. Ảnh: qdnd.vn |
Thiếu tướng Nguyễn Đức Hóa, Phó chính ủy Quân khu 4 tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Ình ở phường Quảng Đông, TP Thanh Hóa. |
Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, cấp ủy, chỉ huy các cấp, cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Toàn quân đã xây và trao tặng hàng chục nghìn ngôi nhà tình nghĩa, nhà đồng đội cho thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; đăng ký phụng dưỡng đến cuối đời hàng nghìn Bà mẹ Việt Nam anh hùng; tích cực triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 1237 về “Tiếp tục tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Đề án 150 về “Xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin” và các chương trình, đề án của Chính phủ, nhằm huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội cùng nhân dân cả nước thực hiện tốt công tác chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, góp phần tạo sự ổn định chính trị xã hội, củng cố niềm tin của nhân đối với Đảng, Nhà nước và cũng là thiết thực học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
- Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2577 ngày 27-7-1968 có trích Lời Hồ Chủ tịch: “Dân tộc Việt Nam ta đang tiến hành cuộc kháng chiến vĩ đại nhất trong lịch sử của mình. Vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì lợi ích của phe xã hội chủ nghĩa, của các dân tộc bị áp bức và của cả loài người tiến bộ, chúng ta đang chiến đấu và chiến thắng một kẻ thù hung ác nhất thế giới”.
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân ngày 27-7-1968. |
Nguồn: THU TRANG (tổng hợp)
https://www.qdnd.vn/tu-lieu-ho-so/ngay-nay-nam-xua/ngay-27-7-2022-ky-niem-75-nam-ngay-thuong-binh-liet-si-700777